Tối ưu chi phí vận hành doanh nghiệp khi suy thoái kinh tế

Tối ưu chi phí vận hành doanh nghiệp khi suy thoái kinh tế

Tối ưu chi phí vận hành là một trong những biện pháp phổ biến nhất mà doanh nghiệp áp dụng, nhằm duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng chủ động tinh gọn đội ngũ lao động, ứng dụng chuyển đổi số để giảm chi phí cũng như tăng sức cạnh tranh.

Hàng loạt khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 29/5/2023 đã có hơn 88.000 doanh nghiệp rời thị trường. Một cuộc khảo sát khác với hơn 9.560 doanh nghiệp tham gia cho thấy thị trường không thể tươi sáng hơn; 82% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc dừng kinh doanh trong các tháng còn lại của 2023; 71% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô lao động.

Khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở khía cạnh thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn, vấn đề về thủ tục hành chính. Trên thực tế, cuối năm 2022 các doanh nghiệp đã phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng buộc doanh nghiệp co hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự. Những điều này sẽ còn tiếp tục kéo dài đến năm 2024; đặc biệt đối với các ngành xuất khẩu như: dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ,…

Bên cạnh đó, những tháng đầu hè năm nay, hàng loạt các khu công nghiệp, nhà xưởng ở Bắc Ninh, Hà Nội,… rơi vào cảnh ngừng sản xuất, công nhân buộc phải nghỉ vì thiếu điện; dẫn đến đơn hàng vốn khó kiếm lại càng khó để giao đúng thời hạn gây thiệt hại không nhỏ đến doanh thu.

Mặt khác, thị trường nước ngoài gặp khó khăn nên doanh nghiệp quay về với thị trường trong nước khiến mức độ cạnh tranh ngày càng căng thẳng hơn.

Tối ưu chi phí – đòn bẩy để doanh nghiệp vượt khó khăn

Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp đã tối ưu chi phí vận hành từ việc giảm chi phí từ chính nội tại doanh nghiệp; đồng thời kỳ vọng vào các yếu tố bên ngoài như: kéo dài thời hạn giảm thuế VAT, thay đổi ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất vay,…

Đối với việc tối ưu chi phí từ nội tại doanh nghiệp, những biện pháp như tinh gọn đội ngũ lao động, ứng dụng giải pháp chuyển đổi số, tối ưu chi phí gói hàng, vận chuyển,… được áp dụng linh hoạt tùy vào tình hình thực tế tại mỗi doanh nghiệp. Trong đó, chuyển đổi số quy trình hoạt động được quan tâm hơn cả; từ sau đại dịch Covid-19 các doanh nghiệp đã bắt tay vào việc xây dựng hệ thống quản lý hiện đại, tập trung nhằm loại bỏ các quy trình thủ công gây lãng phí, từ đó nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí vận hành.

tối ưu chi phí

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất thực hiện cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm vì không có đơn hàng trong khoảng thời gian dài.

>>> Xem thêm: Lưu ý khi cắt giảm nhân sự để “vui lòng người đi, yên lòng người ở lại”

Với hoạt động vận tải, doanh nghiệp cần lựa chọn hình thức vận chuyển phù hợp với từng loại hàng hóa, thời gian giao hàng và chi phí doanh nghiệp sẵn sàng chi trả cho chuyển chuyên chở. Ngoài ra, sử dụng phương tiện vận tải có sẵn hoặc ký hợp đồng dài hạn với các dịch vụ vận chuyển khác để nhận được mức giá ưu đãi, cùng là một giải pháp giúp tối ưu chi phí.

tối ưu chi phí

Một số lưu ý khi doanh nghiệp cắt giảm chi phí trong giai đoạn khủng hoảng

Khi suy thoái kinh tế diễn ra, hầu hết các doanh nghiệp phản ứng lại bằng việc cắt giảm chi phí, thậm chí là cắt giảm tận gốc. Chi phí thường được cắt giảm là lương nhân viên, trong thời điểm khó khăn nhất người lao động có thể chỉ nhận được 50% lương, thậm chí là thấp hơn; chi tiêu cho quảng cáo, tiếp thị cũng thuộc diện cắt giảm trước tiên. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý đến những rủi ro trong dài hạn trước khi cắt giảm. Bởi vì doanh nghiệp có thể mất nhiều thời gian và tiền bạc hơn để hồi phục trở lại.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần phân tích toàn diện về hoạt động tài chính để có giải pháp tối ưu nhất. Nhiều doanh nghiệp trên thế giời đã áp dụng trì hoãn chi phí thay vi cắt giảm chúng, ví dụ như với hợp đồng cho thuê dài hạn doanh nghiệp có thể thỏa thuận để đạt được khoản miễn phí thuê trong năm đầu tiên,… Ngoài ra, tạm dừng các dự án không quan trọng cũng là một cách để giảm rủi ro trong tương lai.

Tối ưu chi phí có thể giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong bối cảnh suy thoái kinh tế; nhưng để việc tối ưu này không ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài trong tương lai thì doanh nghiệp cần cân nhắc nhiều yếu tố. Hy vọng những thông tin mà DIGINET cung cấp sẽ giúp doanh nghiệp có được cái nhìn tổng quát hơn và giải pháp tối ưu nhất.