Lưu ý khi cắt giảm nhân sự để “vui lòng người đi, yên lòng người ở lại”

Lưu ý khi cắt giảm nhân sự để “vui lòng người đi, yên lòng người ở lại”

Cắt giảm nhân sự có lẽ là bài toán vừa khó khăn vừa khiến các nhà quản lý đau đầu bởi sự “nhạy cảm” đằng sau. Nó không chỉ tác động đến nhân sự (bao gồm nhân sự bị cắt giảm và nhân sự ở lại) mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp, nhất là trong thời đại của internet và mạng xã hội; chỉ cần thực hiện không khéo léo và hợp lý doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với dư luận tiêu cực.

Vậy làm thế nào để giải quyết vẹn toàn bài toán cắt giảm nhân sự? Những thông tin bên dưới sẽ giúp bạn trả lời cho vấn đề này, cùng DIGINET theo dõi nhé!

Cắt giảm nhân sự là gì? Những đối tượng thuộc diện cắt giảm

Việc doanh nghiệp chấm dứt hợp động trước thời hạn với từ 2 người lao động trở lên chính là cắt giảm nhân sự. Trên thực tế, có không ít lầm tưởng rằng cắt giảm nhân sự là sa thải nhân viên. Tuy nhiên cắt giảm nhân sự là một chiến lược nhân sự lâu dài, nhất quán nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; trong khi đó sa thải nhân viên là hành động đuổi việc những nhân viên có thành tích kém hoặc phạm sai lầm không thể sửa chữa được,…

Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn do suy thoái kinh tế hậu Covid-19 cho nên việc cắt giảm nhân sự xuất hiện ở những doanh nghiệp toàn cầu như Google, Facebook, Twitter, Meta,… đến những doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Về cơ bản, doanh nghiệp giảm nhân sự trong thời kỳ suy thoái để tiết kiệm chi phí một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên một vài nghiên cứu cho thấy các khoản chi phí được cắt giảm không thể bù đắp được thiệt hại do việc cắt giảm nhân sự mang lại như: dư luận tiêu cực; nội bộ thiếu gắn kết, tỷ lệ nghỉ việc gia tăng, hiệu suất làm việc giảm,…

cắt giảm nhân sự

Những đối tượng doanh nghiệp có thể cắt giảm:

  • Nhân viên thời vụ
  • Nhóm nhân viên năng suất thấp
  • Nhân viên thường xuyên mắc lỗi, gây rắc rối

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp không thực hiện cắt giảm nhân sự với những đối tượng sau:

  • Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp:

+ Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

+ Hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

+ Hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

  • Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
  • Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Khi nào doanh nghiệp được cắt giảm nhân sự?

Có 2 trường hợp doanh nghiệp có thể cắt giảm:

  • Một là có sự thay đổi cơ cấu, công nghệ:

+ Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
+ Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
+ Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm.

  • Hai là vì lý do kinh tế:

+ Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;
+ Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.

cắt giảm nhân sự

Lưu ý gì để cắt giảm nhân sự “vui lòng người đi, yên lòng người ở lại”?

Đối với người quản lý nhân sự thì cắt giảm nhân sự chưa bao giờ là điều dễ dàng. Quá trình này tiềm ẩn những rủi ro phát sinh cho cả ba đối tượng chính là doanh nghiệp, nhân sự bị cắt giảm và nhân sự ở lại.

Doanh nghiệp có thể bị tác động bởi dư luận do thông tin cắt giảm được lan truyền trên các trang mạng xã hội; hoặc mối lo lắng đối thủ sẽ “tận dụng” cơ hội công ty đang khó khăn mà lôi kéo nhân sự chủ lực; hoặc một số lãnh đạo sẽ cảm thấy có lỗi vì quyết định cho nhân viên của mình nghỉ việc.

Đối với nhân sự ở lại có thể họ sẽ rơi vào trạng thái lo lắng về tình trạng của công ty và khó xử với những đồng nghiệp thuộc diện bị cắt giảm. Mặc khác với nhân sự bị cắt giảm có lẽ là điều vô cùng tồi tệ với họ; họ có những lo lắng cho tương lai hay tâm lý xấu hổ và suy nghĩ tiêu cực về lý do mình bị sai thải.

Để có thể thực hiện cắt giảm nhân sự vẹn toàn đôi bên, doanh nghiệp cần lưu ý những điều dưới đây:

  • Cắt giảm khi thật sự cần thiết: doanh nghiệp nên cắt giảm khi thật sự đây là giải pháp tốt nhất cho sự ổn định và phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Tuyệt đối không nên vì phong trào hay vì giảm chi phí trước mắt.
  • Nên thực hiện một cách công khai và theo quy trình hợp lý: một số doanh nghiệp vì nhiều lý do mà thực hiện cắt giảm trong im lặng, không rõ ràng nên thường gây ra phản ứng mạnh từ các nhân viên, phòng ban có người bị cắt giảm.
  • Đưa ra quyết định công bằng dựa trên dữ liệu đánh giá nhân sự như: KPI, đánh giá hiệu suất làm việc,…

  • Thông báo trên tinh thần tôn trọng nhân viên và chủ động xin lỗi công khai đối với nhân sự nghỉ việc; đưa ra lý do cắt giảm nhằm tránh việc họ bị hoài nghi và đánh giá không tốt. Doanh nghiệp có thể hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp mới cho nhân viên sau khi cắt giảm.
  • Quan tâm và thuyết phục nhân viên ở lại rằng vì sao họ nên tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi “bão nghỉ việc” sau đợt cắt giảm.

Trên đây là một số lưu ý để quá trình cắt giảm nhân sự của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp nên căn cứ vào tình hình thực tế của mình để đưa ra kế hoạch phù hợp. Dù có thể đây là một việc khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nếu doanh nghiệp đặt nhân viên lên hàng đầu và thể hiện sự tôn trọng với họ thì việc có khó đến đâu cũng sẽ được giải quyết tốt nhất.

>>> Xem thêm: Khởi động dự án triển khai phần mềm nhân sự DIGINET HR cho Grobest Việt Nam