Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế (IFRS) khi nào được áp dụng tại Việt Nam?

Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế (IFRS) khi nào được áp dụng tại Việt Nam?

Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS được áp dụng tại Việt Nam theo lộ trình gồm ba giai đoạn, kéo dài từ 2020 đến 2025. Trong thời gian tới IFRS càng trở nên phổ biến hơn và trở thành ngôn ngữ tài chính chung để các doanh nghiệp giao tiếp và kinh doanh với nhau.

Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế là gì?

Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế (IFRS – International Financial Reporting Standards) là tập hợp các chuẩn mực kế toán quy định cách thức báo cáo các loại giao dịch và sự kiện cụ thể trong báo cáo tài chính.

IFRS được ban hành bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Kế toán (IASB) có trụ sở đặt tại Luân Đôn, Anh. Mục tiêu của IASB là các chuẩn mực và thông lệ kế toán được áp dụng trên cơ sở tính trung thực và nhất quán, bất kể công ty hay quốc gia.

Hiện nay, có 166 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng IFRS; trong đó có 144 quốc gia yêu cầu bắt buộc áp dụng IFRS đối với doanh nghiệp có lợi ích công chúng. IFRS không được sử dụng bởi tất cả các quốc gia, chẳng hạn như Hoa Kỳ sử dụng các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP). Bên cạnh đó, vào năm 2001 hệ thống IFRS đã thay thế Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS).

>>> Xem thêm: Bí quyết lựa chọn phần mềm kế toán hiệu quả cho doanh nghiệp

Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam

Sau khi được Tổ chức ủy ban chứng khoán quốc tế (IOSCO) công nhận vào năm 2000, IFRS được bắt buộc áp dụng tại Châu Âu theo Chỉ thị EC 1606 được phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu vào tháng 7 năm 2002. Theo đó tất cả các thành viên của Liên minh EU và thành viên của Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) bắt buộc sử dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế IFRS trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu từ kỳ kế toán kết thúc ngày 31/12/2005.

Tính đến nay có 166 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng IFRS theo nhiều hình thức khác nhau. Hơn nữa, tại nhiều nước IFRS đã thay thế các Chuẩn mực kế toán quốc gia nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Không ngoại lệ, Việt Nam cũng đã phê duyệt đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế IFRS thông qua Quyết định 345/QĐ-BTC.

chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam gồm hai cấu phần chính: công bố thông tin và triển khai IFRS. Lộ trình sẽ gồm ba giai đoạn:

Giai đoạn chuẩn bị (2020-2021)

Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là thiết lập nền tảng cho việc áp dụng IFRS. Hoạt động chính gồm:

  • Xuất bản các bản dịch IFRS bằng tiếng Việt.
  • Xây dựng và ban hành hướng dẫn áp dụng IFRS
  • Thiết lập cơ chế tài chính hỗ trợ cho việc thực hiện IFRS
  • Sáng kiến đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân sự về áp dụng IFRS
  • Xây dựng quy trình triển khai cho doanh nghiệp.

Giai đoạn tự nguyện áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS (2022-2025)

Các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực sẽ được áp dụng IFRS cho việc lập báo cáo tài chính. Một số doanh nghiệp được khuyến khích tham gia đó là:

  • Tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn được tổ chức tài chính quốc tế tài trợ vốn vay.
  • Công ty niêm yết
  • Công ty mẹ chưa niêm yết và là công ty đại chúng quy mô lớn
  • Công ty mẹ có nhu cầu và đủ nguồn lực để áp dụng tự nguyện IFRS
  • Công ty con của công ty mẹ 100% vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài có nhu cầu và nguồn lực để áp dụng IFRS.

Giai đoạn áp dụng bắt buộc (sau năm 2025)

Với báo cáo tài chính hợp nhất, VFRS (chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam) được áp dụng bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam; trừ những doanh nghiệp đã áp dụng IFRS hoặc chế độ kế toán dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Bộ Tài chính sẽ thường xuyên rà soát VFRS để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế bằng cách kết hợp với IFRS.

Với báo cáo tài chính riêng, Bộ Tài chính sẽ đánh giá việc áp dụng IFRS trong giai đoạn tự nguyện. Dựa trên cơ sở này cũng như nhu cầu và nguồn lực của doanh nghiệp, pháp luật liên quan và tình hình chung, Bộ sẽ quy định kế hoạch và lộ trình thực hiện.

Lộ trình áp dụng các Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS tại Việt Nam thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc điều chỉnh các thông lệ lập báo cáo tài chính theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Quá trình chuyển đổi này là tiền đề để thu hút đầu tư nước ngoài khi chất lượng của báo cáo tài chính được nâng cao, minh bạch giúp củng cố niềm tin vào thị trường tài chính Việt Nam.