Quyết toán thuế 2021 và những điều cần lưu ý

Quyết toán thuế 2021 và những điều cần lưu ý

Kết thúc năm 2021 sẽ là “mùa cao điểm” đối với hầu hết các tổ chức vì đây là giai đoạn thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Đây được xem là công việc “nặng nhọc” đối với người làm kế toán do tính chất phức tạp, đòi hỏi cao về mặt chuyên môn và sự chính xác về số liệu.
Bài viết này đề cập đến những điều cần lưu ý để kế toán viên chuẩn bị tốt cho kỳ quyết toán thuế sắp tới.

Các khó khăn thường gặp trong quyết toán thuế

  • Nghiệp vụ phức tạp: điều chỉnh tăng/ giảm đối với thu nhập chịu thuế và các khoản khấu trừ, xử lý các khoản nợ phải trả và các khoản dự phòng, xem xét các chứng từ bổ sung…
  • Yêu cầu về hồ sơ khai báo thuế: báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tờ khai quyết toán thuế TNCN, thuế TNDN và các phụ lục liên quan,…
  • Các quy định về thuế thường xuyên thay đổi: luôn cập nhật nhanh chóng các công văn, nghị quyết, nghị định và hướng dẫn thực hiện các thủ tục quyết toán thuế
  • Thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng: việc sắp xếp hồ sơ kế toán và các chứng từ hỗ trợ kê khai thuế chưa được tốt; việc kiểm soát nội bộ, lập kế hoạch thuế và quản lý rủi ro không hiệu quả…
  • Quá tập trung vào hoạt động kinh doanh mà lơ là việc giải quyết các rủi ro trong tuân thủ quy định về thuế, không có ngân sách cho dịch vụ tư vấn thuế
  • Thay đổi nhân sự chịu trách nhiệm về thuế: người mới rất khó thích nghi với công việc ngay trong thời điểm “nhạy cảm” này vì thiếu hiểu biết về các hoạt động kế toán trong năm qua của doanh nghiệp

quyết toán thuế

Những điều cần lưu ý khi thực hiện quyết toán thuế

Chuẩn bị đầy đủ sổ sách và chứng từ kế toán

Bộ phận kế toán cần chuẩn bị cẩn thận và chi tiết từng giấy tờ và chứng từ kế toán. Như vậy, kỳ quyết toán năm có thể được diễn ra thuận lợi và suôn sẻ nhất.

Kiểm tra kỹ lưỡng chứng từ

Thực hiện rà soát cẩn thận toàn bộ hệ thống sổ sách và các chứng từ kế toán để đảm bảo độ chính xác và cải thiện kịp thời những thiếu sót. Việc này giúp hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình quyết toán thuế với cơ quan nhà nước.

Khéo léo khi giải trình quyết toán thuế

Khi đã chuẩn bị đầy đủ các bước trên, doanh nghiệp cũng cần phải kiên định, khôn khéo để tự tin giải trình đúng về những hoạt động kinh doanh của mình với cơ quan thuế.

quyết toán thuế

Luôn cập nhật các quy định mới về chính sách thuế

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, bộ phận kế toán phải luôn kịp thời cập nhật các quy định mới về chính sách thuế do Nhà nước ban hành.
Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021.

Cụ thể:

  1. Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2021 đối với trường hợp doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. Đối với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021 thì chỉ cần tiêu chí “doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng” là được áp dụng chính sách này.
  2. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4 năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021.
  3. Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ như dịch vụ vận tải, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ của các đại lý du lịch; sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.
  4. Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020.

Từ các thông tin trên, có thể thấy quyết toán thuế là một công việc rất quan trọng đối với toàn doanh nghiệp, đặc biệt thể hiện rõ trọng trách của bộ phận kế toán. Tuy nhiên, rất dễ mắc sai lầm khi thực hiện những công việc liên quan đến thuế vì những yêu cầu cao về độ chính xác, tỉ mỉ và cẩn trọng. Với những điểm cần lưu ý trên đây, các doanh nghiệp có thể chuẩn bị tốt cho kỳ quyết toán thuế trong thời gian tới.

>>> Xem thêm: Muốn triển khai ERP thành công doanh nghiệp nên lưu ý 5 điều này!