Chuỗi cung ứng 2022 vẫn chưa thể “hồi phục” như mong đợi?

Chuỗi cung ứng 2022 vẫn chưa thể “hồi phục” như mong đợi?

Năm 2021, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và tắc nghẽn phạm vi toàn cầu do ảnh hưởng của Covid-19. Mặc dù nền kinh tế đang dần hồi phục, các nước đã bắt đầu mở cửa trở lại nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều vấn đề có thể tiếp tục gây áp lực lên các chuỗi cung ứng trong năm mới này.

Nhiều rắc rối tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu 2022

Các đợt bùng phát Covid-19, chủng virus mới xuất hiện, chính sách zero-Covid của Trung Quốc hay những biến động thương mại trong dịp tết Âm lịch là những yếu tố có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài đến nửa cuối năm 2022.

“Nút thắt cổ chai” từ Trung Quốc…

Theo Forbes, từ cuối tháng 12/2021 đến tháng 2/2022, hoạt động vận chuyển hàng hóa ở khu vực đồng bằng sông Châu Giang (Trung Quốc) phần lớn trung chuyển qua các cảng biển Hồng Kông và Diêm Điền sẽ bị đình chỉ. Nguyên nhân là do chính sách cách ly bắt buộc của chính phủ Trung Quốc; các thuyền viên sẽ phải cách ly 14 ngày trên tàu, 14 ngày trên bờ và trước khi có thể về quê họ phải cách ly thêm 7 ngày nữa.

Với việc Tết Nhâm Dần bắt đầu từ ngày 1/2/2022, các hãng vận tải hiện đã có chuẩn bị và ngừng nhận các chuyến hàng đến khu vực này.

Bên cạnh đó, chính sách zero-Covid của Trung Quốc có thấy giới chức nước này có thể đóng cửa một nhà máy, một khu phố hay cả thành phố bất cứ lúc nào để ngăn chặn dịch bệnh. Sự xuất hiện của chủng virus mới Omicron đã khởi động nhiều biện pháp hạn chế đi lại hay phong tỏa nghiêm ngặt hơn ở nước này.

Những điều này cho thấy chuỗi cung ứng 2022 trên toàn thế giới có thể phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn một lần nữa.

chuỗi cung ứng 2022

Nhiều “thút thắt cổ chai” cũng xuất hiện ở nhiều nơi khác…

Ngoài Trung Quốc, một số nơi khác như Felixstowe – cảng container lớn nhất Vương quốc Anh, bến tàu vẫn bị tắc nghẽn vì các container đang chờ được “xuống hàng”. “Tình trạng thiếu tài xế đang diễn ra trên toàn thế giới, hệ thống cơ sở hạ tầng cảng không thể đáp ứng được nhu cầu của tàu container” – Ông Robert Keen thuộc Hiệp hội Vận tải Quốc tế Anh nhận định.

Tương tự, tại các cảng ở bờ Tây nước Mỹ cũng rơi vào tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng do thiếu nhân viên tại cảng, tài xế và khung container.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng chuỗi cung ứng 2022 vẫn có cơ hội cải thiện khi những vấn đề về lao động, kho bãi được giải quyết và vận tải đường biển sẽ phục hồi vào nửa cuối năm.

4P quyết định tương lai chuỗi cung ứng 2022

Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa xác định thời điểm kết thúc, nhiều chuyên gia đã dự đoán tương lai chuỗi cung ứng 2022 phụ thuộc vào bốn chữ P: Product (sản phẩm), Prices (giá cả), People (con người) và Political (chính trị).

Nhiều sản phẩm sẽ tiếp tục trong tình trạng khan hiếm, nhất là các chất bán dẫn. Giá cung vẫn sẽ cao và thậm chí nhiều loại nguyên liệu thô sẽ tăng cao hơn. Nguồn nhân lực vẫn là vấn đề nan giải mà doanh nghiệp cần phải giải quyết sớm. Bên cạnh đó, các chính sách mới có thể sẽ được ban hành, nhiều quyết định liên quan đến lạm phát, thương mại, lao động nhập cư sẽ có tác động lớn.

Khả năng cao thị trường sẽ tràn ngập những mặt hàng mà người tiêu dùng không muốn, bởi vì lo sợ không đủ hàng dự trữ nên các nhà bán lẻ lớn sẽ đặt hàng với số lượng lớn, hệ quả là các nhà sản xuất sẽ tập trung đáp ứng nhu cầu dự trữ mà bỏ qua việc cung cấp các sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng.

Ngoài ra, tình trạng gian lận trong chuỗi cung ứng không mới nhưng điều này sẽ là một thách thức lớn trong năm 2022, khi mà đại dịch vẫn đang tiếp diễn và làm gián đoạn mọi thứ.

>>> Xem thêm: Tồn kho an toàn ảnh hưởng thế nào đến chuỗi cung ứng? 

chuỗi cung ứng 2022

Động lực thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng mới tại Việt Nam

Có thể chuỗi cung ứng 2022 còn gặp nhiều khó khăn để hồi phục hoàn toàn, nhưng tại Việt Nam RCEP đi vào thực thi từ 1/1/2022 sẽ thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng mới.

RCEP – Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực được hy vọng là nhân tố động lực góp phần đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác là Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và New Zealand.

Sau khi có hiệu lực RCEP sẽ tạo thành một thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, GDP chiếm 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số. Nhờ RCEP không gian sản xuất, thương mại trong ASEAN và đối tác được kết nối giúp doanh nghiệp trao đổi nội khối mạnh mẽ hơn.

Trong ngắn hạn RCEP sẽ khó tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nhưng về trung và dài hạn sẽ tạo nên chuỗi cung ứng mới trong khu vực, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều khi trở thành một phần trong chuỗi cung ứng đó. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa cũng sẽ khốc liệt hơn, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh trước những áp lực do việc nhập khẩu mang lại.

>>> Xem tiếp: Chuyển đổi số chuỗi cung ứng – Một bước đi ngàn cơ hội