Tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống ERP: hệ thống quản lý của tương lai! (Phần 1)
Trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) là việc tích hợp các công nghệ AI như công nghệ máy học (Machine Learning -ML), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP) và phân tích dự đoán (Predictive Analytics) vào ERP; nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và hợp lý hóa các quy trình kinh doanh.
Các hệ thống ERP được hỗ trợ bởi AI có thể tự động hóa các tác vụ thường xuyên, phân tích dữ liệu và dự báo nâng cao giúp quá trình ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả.
Vì sao ERP kết hợp trí tuệ nhân tạo lại quan trọng?
Khi kết hợp với AI, các hệ thống ERP truyền thống có cơ hội trở thành “trợ lý thông minh” của doanh nghiệp; có thể học hỏi từ dữ liệu, thích ứng với những biến động và tối ưu thông tin theo thời gian thực, từ đó giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động, giảm thiểu chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.
Hệ thống ERP được cấu trúc thành các mô-đun độc lập, cho phép doanh nghiệp quản lý mọi hoạt động từ sản xuất, kinh doanh, tài chính, chuỗi cung ứng đến quản lý nhân sự, khách hàng. Khái niệm “ERP” được nhắc đến vào những năm 90 và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tính đến năm 2022, thị trường phần mềm ERP đã tăng trưởng 8% đạt quy mô thị trường 44 tỷ USD trong tổng doanh thu phần mềm (trích từ báo cáo của Gartner). Hiện nay, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới sử dụng ERP để xây dựng một nền tảng thông tin thống nhất và chính xác cho toàn bộ doanh nghiệp.
Khi phần mềm ERP trở nên phổ biến hơn và khẳng định được vai trò của mình, các doanh nghiệp xem ERP như một yếu tố cốt lõi trong chiến lược kinh doanh.
So với phần mềm khác, ERP có khả năng khai thác dữ liệu sâu rộng và tối ưu hóa các quy trình, đồng thời đưa ra định hướng phát triển tương lai cho doanh nghiệp. Trong suốt những năm 2010, vai trò không thể thiếu của ERP được chứng minh qua khả năng quản lý và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Có thể nói trong thập kỷ qua, trí tuệ nhân tạo AI đã được ứng dụng vào hệ thống ERP để tự động hóa một số nhiệm vụ như nhập dữ liệu và phân tích. Tuy nhiên dưới sự tác động của các công nghệ mới như AI thế hệ mới đã tạo một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ERP. Các hệ thống Cloud ERP có thể tận dụng nguồn tài nguyên tính toán lớn hơn, mở đường cho các ứng dụng AI phức tạp và tinh vi hơn.
Ngoài ra, các hệ thống ERP trở nên thân thiện hơn với người dùng và chính xác hơn nhờ vào các mô hình học máy tiên tiến và khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Không quá khi nói AI đã mở ra một kỷ nguyên mới cho phần mềm và không ít doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư vào điều này. Chẳng hạn như Microsoft chi mạnh 13 tỷ USD vào OpenAI để tăng cường cạnh tranh của phần mềm Microsoft Dynamics 365.2, v.v.
Những công nghệ trí tuệ nhân tạo được tích hợp vào ERP
Bằng nhiều cách khác nhau mà AI được ứng dụng vào hệ thống ERP nhằm cải thiện
và quản lý hoạt động kinh doanh. Một số công nghệ AI sau đây thường được tích hợp vào hệ thống ERP:
- Phân tích dự đoán
- Xử lý ngôn ngữ tự nhiên
- Tự động hóa quy trình bằng robot
- Công nghệ máy học
- Chatbot và trợ lý ảo
- Nhận dạng hình ảnh
Công nghệ phân tích dự đoán (Predictive Analytics)
Phân tích dự đoán sử dụng dữ liệu lịch sử để dự đoán xu hướng và kết quả trong tương lai. Hệ thống ERP được tích hợp công nghệ AI này có khả năng dự báo hành vi của người tiêu dùng, biến động thị trường dựa trên phân tích hành vi quá khứ và đầu vào cụ thể của doanh nghiệp. Từ đó hỗ trợ người quản lý đưa ra quyết định chính xác dựa trên dữ liệu.
Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP)
Hệ thống ERP có thể hiểu và phản hồi lại ngôn ngữ tự nhiên của con người nhờ công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên của AI, nhờ đó tương tác với người dùng diễn ra linh hoạt và mang lại hiệu quả tốt hơn. Trong những năm gần đây, các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển này, cho phép sử dụng các công cụ NLP một cách tinh tế và có liên quan đến ngữ cảnh vào hệ thống ERP.
Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA)
Đây là quá trình tự động hóa các tác vụ hàng ngày và lặp đi lặp lại hoặc toàn bộ quy trình bằng cách sử dụng “bot”. Các ứng dụng gồm trích xuất dữ liệu, nhập dữ liệu hoặc di chuyển tệp.
Sử dụng RPA, hệ thống ERP có thể tự động tạo báo cáo, phân phối tài liệu nhân sự hoặc tự động quản lý dữ liệu thông tin khách hàng và nhân viên.
Chatbot và trợ lý ảo
Chatbot và trợ lý ảo tận dụng NLP để hỗ trợ theo thời gian thực, cải thiện trải nghiệm khách hàng và hướng dẫn nhân viên thông qua quy trình làm việc trên phần mềm ERP. Vai trò của chatbot và trợ lý ảo trong ERP được thể hiện rõ nét nhất thông qua biệc xử lý các cổng thông tin tự phục vụ của nhân viên, chẳng hạn như trả lời các câu hỏi về các nhiệm vụ nhân sự hàng ngày.
Công nghệ máy học (ML)
Công nghệ máy học cho phép “học” từ dữ liệu theo thời gian nhằm cải thiện các dự đoán và quy trình ra quyết định. Khi ứng dụng công nghệ ML vào hệ thống ERP, công nghệ này giúp giảm lỗi và tăng hiệu quả hoạt động khi AI được học hỏi nhiều hơn theo thời gian. Vì các hệ thống ERP có xu hướng khai thác lượng lớn dữ liệu của doanh nghiệp, các mô hình ML được đào tạo theo các trường hợp kinh doanh cụ thể nên có thể tác động lớn đến chức năng của ERP.
Nhận dạng hình ảnh
Nhận đạng hình ảnh (hoặc thị giác máy tính) là việc sử dụng AI để xác định được hình ảnh, văn bản hoặc vị trí. Các hệ thống ERP sử dụng công nghệ để phân tích dữ liệu hình ảnh như video hoặc tài liệu và hiển thị chúng ở các định dạng có thể tìm kiếm hoặc chỉnh sửa. Công nghệ nhận dạng hình ảnh cũng có thể được sử dụng trong việc theo dõi vật liệu sản xuất để kiểm soát chất lượng tốt hơn.
>>> Xem thêm: Vai trò của CRM trong tiếp thị kỹ thuật số: thấu hiểu và làm bạn với khách hàng!