Toàn cảnh Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19

Logistics và quản lý chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy và đảo lộn do tình hình Covid-19 vô cùng phức tạp trong lần thứ 4 bùng phát. Đến thời điểm hiện tại, chị thị 16 và 16+ đã được áp dụng hơn 21 ngày tại TP. HCM, Bình Dương và một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ. Trong khi đó, số ca nhiễm ở khu vực phía Bắc như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh vẫn tiếp tục được cập nhật mỗi ngày.
Trước tình hình này, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu không muốn nói là gần như bị đóng băng. Ngoại trừ đảm bảo hệ thống vận tải hàng thiết yếu được hoạt động thì không một phương tiện nào được phép di chuyển.
Đại dịch gây áp lực nặng nề lên dịch vụ Logistics và quản lý chuỗi cung ứng không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu.
Mối quan hệ giữa Logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Quản lý chuỗi cung ứng và quản lý Logstics là những thuật ngữ khá quen thuộc trong thương mại và vận tải quốc tế, và dễ bị nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Quản lý chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các hoạt động quản lý hậu cần gồm lập kế hoạch và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng và thu mua, bao gồm tất cả hoạt động Logistics. Quan trọng hơn, nó cũng bao gồm sự phối hợp và hợp tác với các đối tác trong một chuỗi cung ứng toàn diện, trong đó có thể là nhà cung cấp, các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba, và khách hàng. Về bản chất, quản lý chuỗi cung ứng tích hợp quản trị cung cầu bên trong và giữa các công ty khác nhau.
Quản lý chuỗi cung ứng là một chức năng tích hợp với vai trò đầu tiên là kết nối các chức năng kinh doanh và các quy trình kinh doanh chính yếu bên trong công ty và của các công ty với nhau thành một mô hình kinh doanh hiệu quả cao và kết dính. Quản lý chuỗi cung ứng bao gồm tất cả những hoạt động quản lý logistics đã nêu cũng như những hoạt động sản xuất và thúc đẩy sự phối hợp về quy trình và hoạt động của các bộ phận marketing, kinh doanh, thiết kế sản phẩm, tài chính, công nghệ thông tin…”.
Trong khi đó
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm việc nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi , làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. (Theo Luật Thương mại 2005)
Như thế Logistics là một bộ phận cấu thành nên chuỗi cung ứng. Và đây là sự khác biệt giữa hai ngành này:
- Về tầm ảnh hưởng: Logistics có tầm ảnh hưởng ngắn hoặc trung hạn, còn quản lý chuỗi cung ứng có tầm ảnh hưởng dài hạn.
- Về mục tiêu: Logistics mong muốn đạt được giảm chi phí vận chuyển nhưng tăng được chất lượng dịch vụ; ngược lại quản lý chuỗi cung ứng lại đặt mục tiêu giảm được chi phí trên toàn chiến dịch phân phối dựa trên việc tăng cường khả năng cộng tác và phối hợp, do đó tăng hiệu quả trên toàn bộ hoạt động Logistics.
- Về công việc: Logistics quản trị các hoạt động bao gồm vận tải, kho bãi, dự báo, đơn hàng, giao nhận, dịch vụ khách hàng… Trong khi đó chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các hoạt động của Logistcs và quản trị nguồn cung cấp, sản xuất, hợp tác và phối hợp của các đối tác, khách hàng…
- Về phạm vi hoạt động: Logistics chủ yếu quản lý bên trong doanh nghiệp; chuỗi cung ứng quản lý cả bên trong lẫn bên ngoài, đối nội lẫn đối ngoại để mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho doanh nghiệp.
Ảnh hưởng của Covid-19 đến chuỗi cung ứng của doanh nghiệp
Sự lây lan của Covid- 19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến DN khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro. Chuỗi cung ứng của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều bị tác động nghiêm trọng.
Đối với Việt Nam, ảnh hưởng rõ nhất của Covid-19 đến chuỗi cung ứng tập trung vào một số lĩnh vực là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: Sản xuất linh kiện điện tử, dệt may, nông sản… Cụ thể, đối với doanh nghiệp sản xuất, tình trạng phong tỏa đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài do đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng đến đầu vào cả về nguyên liệu và linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài, khiến chuỗi giá trị điện tử của Việt Nam chịu tác động, cùng với đó làm gián đoạn dịch vụ kho vận, ảnh hưởng đến cả việc vận chuyển nguyên vật liệu thô và linh kiện điện tử và phân phối sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.
Báo cáo đánh giá mới đây của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO, 2020) về tác động của đại dịch Covid- 19 đối với các chuỗi cung ứng cho thấy, các nhà máy và người lao động tại 10 nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất trong khu vực, trong đó bao gồm Việt Nam đều bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc các khách hàng lớn của các nước xuất khẩu hàng dệt may ở châu Á, trong đó có Việt Nam đã giảm đến 70% trong nửa đầu năm 2020 do nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh khi mà các biện pháp phong tỏa được Chính phủ các nước áp dụng, từ đó làm gián đoạn chuỗi cung ứng, cung cấp nguyên liệu thô phục vụ sản xuất hàng dệt may.
Thực tế cũng cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến quản trị chuỗi cung ứng đối với các lĩnh vực “có chuỗi cung ứng nhiều công đoạn, đường dài” như ngành Dệt may, từ đó làm giảm khả năng phản ứng nhanh chóng của DN trước khủng hoảng và khiến DN đối diện với tình cảnh hàng tồn kho lớn.
Logistics không tránh khỏi bị gián đoạn
Do đại dịch, chuỗi cung ứng đã bị đứt gẫy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics – xương sống của chuỗi cung ứng.
Các dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường bộ và vận tải đường sắt bị tác động nặng nề nhất. Vận tải biển ít bị ảnh hưởng hơn với cước phí vẫn giữ vững mặc dù yêu cầu chuyên chở có giảm sút và khó khăn về thủ tục do đại dịch. Các đặc điểm này của chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics thế giới đã thể hiện đầy đủ trong ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Đối với Việt Nam, từ khi nổ ra đại dịch, cuộc khủng khoảng này tác động mạnh mẽ lên ngành vận tải, logistics và tìm nguồn cung ứng chiến lược trọng yếu. Các ngành sản xuất như dệt may dựa chủ yếu vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc – nơi xảy ra đại dịch bị tác động nhất, đã ngưng trệ sản xuất do đại dịch.
Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở sâu rộng, phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư FDI với hơn 70% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu là thuộc khu vực này. Theo đó, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng chịu tác động của khoảng hơn 30 doanh nghiệp cung cấp logistics xuyên quốc gia có quan hệ mật thiết với các chủ hàng và hãng tàu biển lớn của thế giới.
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng – Bước chuyển mình quan trọng
Đại dịch được xem là chất xúc tác thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành dịch vụ logistics, trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi.
Đại dịch đã làm thay đổi cách tiêu dùng, phương thức hoạt động, trao đổi thương mại. Thương mại điện tử (E-Commerce) của nước ta đã phát triển mạnh mẽ, kéo theo các hoạt động logistics. Bên cạnh đó, để quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả hơn DN cần chú trọng một số vấn đề như:
- Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của quản trị chuỗi cung ứng: Quản trị chuỗi cung ứng hàng hóa luôn đóng vai trò quan trọng, là chất bôi trơn giúp hoạt động DN diễn ra thuận lợi. Với những sản phẩm đòi hỏi sản xuất phức tạp thì chuỗi cung ứng có thể rộng và mạng lưới phức tạp hơn, đòi hỏi hoạt động quản trị cũng cần được thực hiện tốt.
- Dự báo và lập kế hoạch chuỗi cung ứng kịp thời, chính xác là nền tảng để tiến đến việc quản trị chuỗi cung ứng chuyên nghiệp. Bởi vì, quản trị chuỗi cung ứng chính là lên kế hoạch và sắp xếp tất cả các sự kiện có thể diễn ra để nguyên vật liệu, thông tin và dòng chảy của tiền được lưu thông trôi chảy trong chuỗi cung ứng.
-
Việc quản trị chuỗi cung ứng cần đảm bảo các yêu cầu: Sản phẩm được sản xuất đúng quy trình và đến được tay khách hàng với mẫu mã, chất lượng đạt yêu cầu; Mọi khâu trong quá trình vận hành, sản xuất luôn được theo dõi, giám sát đảm bảo sự thống nhất; Nguồn lực kinh doanh được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vận hành, đồng thời giúp nhà quản lý dễ nắm bắt các hoạt động chung.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý chuỗi cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp trao đổi thông tin hiệu quả với đối tác và khách hàng. Việc thu thập, sử dụng và xử lý hiệu quả thông tin khi ứng dụng các phần mềm giúp giảm 50% thời gian làm việc của nhân viên dành cho việc tìm kiếm chứng từ. Đối với những DN vừa và nhỏ không có đủ tiềm lực để đầu tư công nghệ cho việc quản trị chuỗi cung ứng, thì không cần đầu tư hệ thống quản lý chuỗi cung ứng cho toàn bộ công ty.
-
Việc liên kết giữa các đơn vị có từng thế mạnh riêng, phối hợp nhịp nhàng giữa nhà sản xuất – nhà phân phối – nhà bán lẻ. Trong mỗi công đoạn, việc phân chia nhỏ công đoạn sẽ giúp nhà cung cấp giảm được chi phí ở thành phẩm cuối cùng; đồng thời, có được sản phẩm chất lượng tốt nhất. Khi đó, vai trò của các nhà quản trị chuỗi cung ứng là quan trọng, đảm bảo kết nối trong quản lý; đảm bảo chuỗi cung ứng diễn ra nhịp nhàng, liên tục và hạn chế tối đa rủi ro.
- Chú trọng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là người đứng đầu doanh nghiệp: Theo các chuyên gia, để quản trị hiệu quả chuỗi cung ứng “không phải ngày một, ngày hai” mà các nhà quản lý có thể đảm nhiệm và vận hành tốt chuỗi này. Cần có thời gian để kiến tạo kinh nghiệm, năng lực và hơn hết là những kiến thức cơ bản và nền tảng về chuỗi cung ứng cũng như quản lý chuỗi cung ứng. Do vậy, cần phải quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn trình độ kỹ năng cho đội ngũ nhà quản lý.
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng gặp nhiều thách thức trong đại dịch Covid-19, nhưng với những doanh nghiệp kịp thời thay đổi thì có thể biến nguy thành cơ, nắm bắt cơ hội nâng tầm phát triển cho chính doanh nghiệp mình. Một khi dịch bệnh được kiểm soát thì chính những cải tiến trong giai đoạn này sẽ là bước đệm để doanh nghiệp bứt phá với tâm thế sẵn sàng và tự tin nhất.
>>> Xem thêm: Đảm bảo chuỗi cung ứng liền mạch trong đại dịch Covid-19