“Facebook thành Metaverse” và những ý kiến trái chiều
Ngày 28-10-2021, trong Hội nghị các nhà phát triển có tên là Facebook Connect 2021, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg thông báo đổi tên công ty thành Meta, chấm dứt tên gọi Facebook Inc. sau 17 năm hoạt động. Công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới có trụ sở tại Menlo Park, California cũng thay đổi logo và mã chứng khoán. Sự việc ngay lập tức dấy lên hàng loạt ý kiến trái chiều trong giới truyền thông, công nghệ, đầu tư và cả những người sử dụng yêu thích biểu tượng Like.
Tìm cách vượt thoát khủng hoảng
Nữ biên tập viên Rachel Maddow của đài truyền hình MSNBC bình luận rằng với sự kiện này, Facebook đã lọt vào danh sách “các công ty tai tiếng lẩn trốn bằng việc đổi tên”. Rachel dẫn ra trường hợp hãng hàng không ValuJet đổi tên thành AirTran sau hàng loạt vụ rơi máy bay, hay Johnson & Johnson đổi tên bộ phận sản xuất phấn rôm thành LTL Management sau vụ lùm xùm phát hiện độc tố gây ung thư trong sản phẩm phấn rôm trẻ em.
Năm 2018 đánh dấu sự bắt đầu chuỗi đen đủi của Facebook sau hơn một thập niên phát triển không ngừng. Người ta phát hiện ra Facebook đã chia sẻ dữ liệu của 87 triệu người dùng cho Cambridge Analytica, một công ty chuyên về phân tích dữ liệu có liên quan đến chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Mark Zuckerburger phải ra điều trần trước Quốc hội và sau đó bị Ủy ban Thương mại Liên bang phạt số tiền kỷ lục là 5 tỷ USD cho hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Tháng 9/2021, giữa đại dịch Covid 19, cựu nhân viên 37 tuổi Frances Haugen của Facebook tố cáo Mark Zuckerberg “một tay kiểm soát cuộc sống của 3 tỷ người” thông qua hàng ngàn trang tài liệu tiết lộ cho Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ và một số tờ báo lớn. Sự việc ngay lập tức gây ra làn sóng chỉ trích Facebook đến mức Frances Haugen được mời ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ. Tại cuộc điều trần, Haugen chỉ trích Facebook chỉ quan tâm đến lợi nhuận, phớt lờ sự an toàn của những người sử dụng Facebook. Phải chăng ý định đổi tên nảy ra từ sau vụ điều trần bẽ bàng này.
Áp lực của phố Wall
Các hãng Big Tech niêm yết trên thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ luôn chịu áp lực rất lớn của giới đầu tư phố Wall. Một mặt họ phải duy trì kết quả tài chính vượt dự báo của các chuyên gia phân tích, mặt khác họ phải chứng tỏ mình luôn đi đầu trong các làn sóng công nghệ mới.
Biên tập viên Megan Graham của tờ Wall Street Journal cho rằng với tên gọi mới Meta, Facebook muốn báo hiệu cho thị trường, các nhà đầu tư và giới truyền thông rằng hãng đang có một bước chuyển lớn trong mô hình kinh doanh.
Google cũng từng có động thái tương tự vào năm 2015. Trong một lá thư chính thức gửi các nhà đầu tư phố Wall, lãnh đạo của hãng tuyên bố đổi tên Google thành Alphabet. Ngoài mảng kinh doanh cốt lõi của Google, Alphabet còn đặt cược vào nhiều mảng kinh doanh khác (mà họi gọi vui là The Other Bets) như công nghệ robot, sinh học, chăm sóc y tế và chống lão hóa…
Google và Facebook đang hưởng lợi rất lớn từ doanh thu quảng cáo số. Theo trang mạng Stastic, doanh thu năm 2020 của Google là 146 tỷ USD và của Facebook là 84 tỷ USD. Với hơn 3 tỷ người sử dụng, Facebook không khó gia tăng doanh thu theo kỳ vọng của phố Wall nếu không vấp phải một đối thủ nặng kí, đó là TikTok.
Theo một công bố tháng 8 năm 2021, tờ Nikkei Asia của Nhật Bản đã cho biết TikTok đã qua mặt Facebook để trở thành App được tải xuống nhiều nhất trên thế giới. Nỗi đau của Facebook là cả 4 con cưng của hãng gồm Facebook, WhatsApp, Instagam và Messenger đều ăn khói của hãng công nghệ ByteDance đến từ Bắc Kinh.
“Facebook dành cho người già”, cây viết Kevin Roose đã trích lời một cậu bé 13 tuổi trong chuyên đề “Facebook yếu hơn ta nghĩ” đang trên tờ New York Times tháng 10 năm 2021. Có các thống kê cho khá nhiều người dùng trẻ hiện nay đang rời bỏ Facebook để sang các nền tảng khác như TikTok, Snapchat v.v.
Đón đầu làn sóng công nghệ mới
Hãng CNBC không rõ bằng cách nào “khai quật” được một tài liệu biên soạn cách đây 3 năm cho thấy toàn bộ câu chuyện phía sau vụ tái tạo thương hiệu của Facebook. Tài liệu dày 50 trang được thành viên điều hành Jason Rubin của Oculus – công ty con của Facebook – gửi cho hội đồng quản trị của Facebook vào tháng 6/2018 với dòng chủ đề (Subject) “The Metaverse”. Trong lá thư này, Jason thúc giục lãnh đạo của Facebook phải hành động khẩn trương để chiếm lấy mảng công nghệ thực tế ảo, (gọi tắt là VR hay Virtual Reality) trước khi các hãng lớn Google, Apple hay Microsoft để mắt tới.
Thực ra Metaverse là sáng tạo của nhà văn Neal Stephenson trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng có nhan đề Snow Crash xuất bản năm 1992. Còn theo trang MoneyControl, Oculus chỉ là một trong số 82 công ty công nghệ mà Facebook đã bỏ tổng cộng số tiền 700 tỷ USD để mua lại trong những năm qua,. Vấn đề là tại sao Facebook lại chi ra đến 2,3 tỷ đô la để mua công ty chuyên sản xuất thiết bị thực tế ảo này.
Các cặp kính 3D chỉ là phần nổi của một cuộc cách mạng mới, một làn sóng công nghệ mới.
Internet hay World Wide Web do Tim Berners-Lee sáng tạo ra đã trải qua hai chu kỳ phát triển. Web 1.0 ban đầu là những trang nội dung tĩnh sử dụng ngôn ngữ HTML do các máy chủ web nhả ra.
Với Web 2.0, các công nghệ nền tảng dựa trên ngôn ngữ Javascript đã mang lại giao diện đẹp hơn cho người sử dụng. Cùng với nó là sự bùng nổ chóng mặt về nội dung do người dùng tạo ra, như các trang blog, mạng xã hội. Facebook là một trong các trang mạng xã hội.
Về cuối của chu kỳ Web 2.0, chúng ta chứng kiến sự phổ biến của điện thoại cảm ứng thông minh do Apple khởi xướng, công nghệ đám mây, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
Đại dịch Covid 19 với sức tàn phá khủng khiếp của nó là một chất xúc tác để những công nghệ mới xuất hiện.
Trong những năm gần đây, giới công nghệ đã bắt đầu nói về một xu hướng công nghệ mới tạm gọi là Web 3.0 hay còn gọi là Immersive Internet. Đây là trải nghiệm mới của người sử dụng dựa trên những công nghệ xuất hiện trong thời gian gần đây như thực tế ảo VR, thực tế bổ sung AR, hay ảo thực kết hợp MR, hay thực tế mở rộng XR.
Thực tế ảo VR hay Virtual Reality là công nghệ đã có thời gian phát triển khá dài xuất hiện trong một số trò chơi cần phải đeo kính 3D như Oculus để trải nghiệm. Thực tế bổ sung AR hay Augumented Reality là một bước phát triển kế tiếp của VR dựa trên cung cấp một lớp thông tin trên nền thực tế. Ví dụ dễ thấy nhất là bạn đeo cặp kính 3D và đi bộ trong phố, AR sẽ giới thiệu thông tin bổ sung về các cửa hàng, quán cà phê hay hiệu sách có hai bên đường.
Mark Zuckerberg muốn đưa ra khái niệm Metaverse để đẩy trải nghiệm người dùng lên tầm cao mới. Việc chia sẻ tin nhắn, ảnh chụp, video hay âm thanh đã là câu chuyện cũ. Câu chuyện mới là người dùng có thể tham gia vào thế giới ảo thật hòa quyện vào nhau với sự giúp đỡ của công nghệ. Tại đó mọi người có thể bay trong không gian ảo để đến với nhau, cùng tương tác với avatar của nhau để hội họp, làm việc, giải trí và chia sẻ vui buồn.
Với sự thay đổi thương hiệu, Mark Zuckerberg và công ty Meta đã gửi đi một thông điệp mạnh về những thay đổi công nghệ trong tương lại. Thực tế Meta đã thiết lập bộ phận nghiên cứu Reality Labs với hơn 10 ngàn nhân viên để thí nghiệm công nghệ thực tế ảo. Hãng còn lập kế hoạch để tuyển 10 ngàn người nữa ở châu Âu, và chi ra khoản tiền 10 tỷ USD vào các dự án Metaverse.
Liệu Mark có thành công với cuộc mạo hiểm Metaverse hiện là câu hỏi được bỏ ngỏ. Nếu đứng yên một chỗ, sẽ phải chứng kiến câu chuyện doanh thu và giá cổ phiếu sụt giảm như Apple đang trải qua. Nếu tiến về phía trước, Meta sẽ phải chi ra nhiều tiền và phải thuyết phục các hãng sản xuất phần cứng và phần mềm khác tham gia vào cuộc chơi mới. Dù thế nào thì nỗ lực của Mark Zuckerberg cũng hợp ý phố Wall. Còn với tư cách người dùng, chúng ta chờ xem Meta sẽ đưa ra sản phẩm gì mới trong những năm tới.
>>> Xem thêm: 7 dịch vụ lưu trữ đám mây hay nhất cho năm 2022