5 cách để nhân viên văn phòng thích ứng tốt với “bình thường mới”

5 cách để nhân viên văn phòng thích ứng tốt với “bình thường mới”

Nhân viên văn phòng những tháng qua vẫn mong mỏi một ngày được quay trở lại công ty. Và cuối cùng thì ngày đó cũng đến, công ty ra thông báo mời nhân viên trở lại làm việc sau khi chính quyền thành phố bãi bỏ những biện pháp giãn cách khắc nghiệt. Đây là lúc trong bạn xuất hiện cảm giác mừng vui pha trộn với chút hồi hộp lo âu. Cảm giác từa tựa như hồi cách đây vài tháng, khi công ty yêu cầu mọi người chuyển từ làm việc ở văn phòng sang làm việc ở nhà vì tình hình dịch bệnh xấu đi nhiều.

Có những thách thức với cả nhóm khi chuyển sang bình thường mới. Mọi người cần bàn bạc nên phân chia thời gian thế nào cho hợp lý. Nên chăng vẫn nên làm việc ở nhà như trước kia và dần dần tăng thời lượng ở văn phòng, hay tất cả cùng kéo đến văn phòng. Đây là thời điểm có một không hai trong cuộc đời đi làm, và mỗi cá nhân cũng như cả tập thể phải cân nhắc nhiều yếu tố, sao cho công việc diễn ra hiệu quả mà không làm phát sinh lây nhiễm dịch bệnh trong văn phòng.

Có 5 cách để nhân viên văn phòng có thể thích ứng hiệu quả với bình thường mới

Khuyến khích mọi người trao đổi cởi mở với nhau

Đây là thời điểm mỗi người đều có nỗi niềm hay lo lắng của riêng mình. Người thì lo lắng chưa đủ tiêm hai mũi, người thì ngại nhiễm bệnh khi di chuyển trong thang máy hay có mặt ở những khu vực đông người. Lại cũng có người lo bệnh nền hay cơ địa dị ứng, mà ngần ngại tiếp xúc với đồng nghiệp. Người phụ trách nhóm cần tạo điều kiện để mọi người trao đổi về những băn khoăn này, và cùng đi đến thống nhất về những điều cần làm để giữ cho nhóm làm việc an toàn, đồng thời cũng xua tan những lo sợ vô căn cứ.

Phát huy những điểm mạnh của WFH

Làm việc ở nhà (WFH – Work From Home) cũng có những điểm tích cực mà bạn có thể phát huy trong điều kiện bình thường mới. Ví dụ như duy trì việc trao đổi thông tin trong những group Zalo hay Viber, thường xuyên phun xịt khử khuẩn nơi làm việc hay khử khuẩn và vệ sinh cá nhân. Có những nhóm đưa vào việc tập yoga hay thiền giữa giờ v.v. Những điều hay mà bạn đã trải qua trong giãn cách đều có thể thử đem áp dụng khi đi làm trở lại.

nhân viên văn phòng

Duy trì việc trao đổi thông tin qua Zalo, Skype,… để đảm bảo an toàn

Để quá khứ ngủ yên

Khi bình thường mới bắt đầu cũng là lúc bạn – một nhân viên văn phòng “chính hiệu” nên tính chuyện dẹp bỏ những thói quen làm việc xưa cũ từng khiến hiệu quả làm việc không cao. Trước kia có rất nhiều khi bạn tổ chức họp hành trực tiếp chỉ để lấy ý kiến của mọi người, hiện nay có khá nhiều cuộc họp trực tiếp có thể thay thế bằng Zoom hay Google Meet. Hãy xếp lại quá khứ và chuyển sang lối làm việc mới năng động sáng tạo và hiệu quả hơn. Hãy cùng mọi thành viên của nhóm thảo luận và đề ra những mô hình làm việc mới, kết hợp giữa những điểm tốt nhất của WFH và làm việc tại văn phòng.

Tận dụng lợi thế của gặp mặt trực tiếp

Sau khi đã thống nhất thời gian địa điểm và nội dung họp qua email hay tin nhắn, thì nhóm làm việc nên tận dụng cơ hội gặp mặt trực tiếp để đẩy mạnh việc thảo luận nhóm, phản biện cho sôi động. Tránh thói quen chỉ lặng lẽ nghe và gật đầu mà không có ý kiến hay ngại tranh luận.

nhân viên văn phòng

Ưng dụng công nghệ mới vào quy trình làm việc để đạt kết quả tốt hơn trong giai đoạn bình thường mới

Làm chủ công nghệ mới

Thời kỳ giãn cách buộc mỗi người trong chúng ta phải làm quen với nhiều công nghệ mới mẻ. Trong giãn cách, do thiếu sự hậu thuẫn của phòng kỹ thuật, chúng ta phải tự mày mò cài đặt và sử dụng nhiều phần mềm và mobile app mới cho mục đích hội họp, chia sẻ tài liệu, nhắn tin hay những ứng dụng chuyên môn có hỗ trợ làm việc nhóm. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để bạn nâng cao trình độ công nghệ thông tin của bản thân. Bạn nên nhân đà này để thường xuyên cập nhật những công cụ, ứng dụng mới giúp nâng cao hiệu quả làm việc của bản thân.

Đại dịch Covid 19 là một trải nghiệm tầm cỡ lớn đối với mỗi cá nhân và tập thể. Tuy nhiên với 5 phương pháp nói trên, bất kể ai là nhân viên văn phòng đều có thể thích ứng tốt hơn trong bối cảnh bình thường mới.

>>> Xem thêm: Chiến lược quản trị nhân sự trong giai đoạn “bình thường mới”